Chào mừng bạn đến với Website Cổng Thông Tin Điện Tử Ủy Ban Nhân Dân Phường Ninh Hà
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, năm 2021 toàn quốc sẽ tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Triển khai hoạt động hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm trong tình hình mới theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2021 nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu sản phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đặc biệt là bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và an toàn thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện, kinh doanh thức ăn đường phố; kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và kiểm soát quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, thủy sản, sản phẩm thủy sản, phụ gia thực phẩm…trên cơ sở đó hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm đúng theo quy định của pháp luật.
Triển khai công tác hậu kiểm tốt sẽ giúp đánh giá tình hình về an toàn thực phẩm đối với các nhóm thực phẩm lưu thông trên thị trường, từ đó có định hướng giải pháp quản lý. Qua công tác hậu kiểm, tiếp tục tuyên truyền các chính sách pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, năm 2020 đã hậu kiểm hơn 469.000 cơ sở, xử lý 27.631 cơ sở, tổng số tiền phạt là 138,23 tỷ đồng; giá trị tang vật thu giữ trên 28,5 tỷ đồng; đình chỉ lưu hành 559 loại thực phẩm của 49 cơ sở; có 1.894 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm; có 5.689 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm như không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng. Tạm giữ trên 87 tấn hàng hóa vi phạm gồm bia, rượu, bánh kẹo, rau củ quả, thủy hải sản, trứng gia cầm, thịt lợn…Chuyển cơ quan điều tra 9 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả; khởi tố 7 vụ, bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Năm 2021, Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo sẽ tăng cường xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên báo, đài, Internet và môi trường mạng; lấy mẫu kiểm nghiệm về chất lượng, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm có nguy cơ pha trộn trái phép chất tân dược thuộc các nhóm sản phẩm: hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cường dương, tăng cân, giảm cân (lấy mẫu tại cơ sở sản xuất, kinh doanh và các sản phẩm được bán online).
Tại các tỉnh, căn cứ kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, các tỉnh sẽ triển khai thực hiện kế hoạch hậu kiểm thường xuyên, liên tục về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm theo đúng nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018; hậu kiểm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 40 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018.
Về chất lượng thực phẩm, sẽ hậu kiểm tập trung: nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản, quá trình sản xuất, chế biến, nhập khẩu và lưu thông thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến; phẩm màu, chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng kháng sinh, dư lượng bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; sử dụng salbutamol trong chăn nuôi; kiểm soát thực phẩm là hàng giả; kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, nhóm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, tăng cường vi chất dinh dưỡng./.
Nguồn: syt.khanhhoa.gov.vn
6/4/2023 5:27:09 AM